Trồng lúa hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi được các thành viên Hợp tác xã giảm nghèo Ea Súp triển khai. Đây là mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, đáp ứng xu thế tiêu dùng là ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường và con người…
Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp được thành lập năm 2019. Ngay từ lúc thành lập, các thành viên trong HTX xác định canh tác theo hướng hữu cơ là hướng đi bền vững là mục tiêu hướng tới.
Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc điều hành Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương về chương trình nâng cao chất lượng hàng hóa giai đoạn 2021-2030 của Bộ Khoa học công nghệ, HTX đã mạnh dạn trong việc mở rộng diện tích triển khai vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 theo quy trình hữu cơ để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản JAS Organic.
Dưới sự hướng dẫn tư vấn của đơn vị tư vấn – Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert, HTX cùng các hộ nông dân đã triển khai việc sản xuất theo đúng kế hoạch. Các hộ xã viên đã tuân thủ chấp hành nghiêm ngặt các quy định trong canh tác hữu cơ. Ngày 18/7/2023, HTX giảm nghèo Ea Súp đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert trao Chứng nhận hữu cơ Việt Nam cho sản phẩm gạo – là sản phẩm gạo đầu tiên khu vực Tây Nguyên đạt chứng nhận hữu cơ. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, diện tích được chứng nhận hữu cơ Việt Nam sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ Nhật Bản JAS Organic khi đảm bảo các tiêu chuẩn JAS. Đây là tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, góp phần giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu trong hệ thống lúa gạo, đồng thời củng cố thu nhập cho nông dân và góp phần vào an ninh lương thực.
Ông Đức chia sẻ thêm, để sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng thì việc quảng bá sản phẩm là điều cần thiết. Hiện nay, Hợp tác xã thường xuyên tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong tỉnh và các tỉnh thành trên khắp cả nước. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch trên các thành phố như HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…. HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu “GNES”, “Briêt”, “Khẩu Xiên Lăm” và Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định về việc chấp nhận đơn đăng ký của HTX. Bên cạnh đó, HTX đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và xin cấp mã vạch quốc gia cho các sản phẩm, luôn kiên định với nhiệm vụ xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Ea Súp” cũng như quảng bá các nông sản và nét đẹp văn hóa của huyện Ea Súp thông qua các sản phẩm đặc sản được canh tác theo quy trình hữu cơ.
Theo ông Hà Văn Tân – xã viên HTX thì năng suất lúa canh tác theo hướng hữu cơ sử dụng phân sinh học không cao hơn so với diện tích lúa canh tác truyền thống. Tuy nhiên với việc áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, nông dân sẽ giảm chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón và nhân công. Ngoài ra, nông dân dần thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất như: thay đổi tập quán đốt rơm rạ, tiết kiệm nguồn nước, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Với việc chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang hướng hữu cơ, đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe người canh tác và môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đất đai và nguồn nước, góp phần phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng…
Nguyễn Chung
Trung tâm Khuyến nông – GCT,VN&TS Đắk Lắk
Hợp tác xã giảm nghèo Ea Súp – Điểm sáng trong sản xuất lúa hữu cơ ở vùng biên giới (vca.org.vn)