Anthocyanin là hợp chất màu hữu cơ tự nhiên thuộc nhóm flavonoid, xuất hiện trong trái cây, rau củ, hoa và thảo mộc với nhiều màu sắc khác nhau. Ngoài việc cho màu sắc đẹp, anthocyanin còn mang lại những hoạt tính sinh học rất tốt cho sức khỏe lẫn làn da con người.
Tìm hiểu chung
Anthocyanin là gì?
Anthocyanins là một trong số hơn 6.000 loại chất dinh dưỡng thực vật polyphenol flavonoid khác nhau, có công dụng chống oxy hóa mạnh mẽ.
Trước khi anthocyanin được y học hiện đại phân lập, đã có nhiều bài thuốc dân gian dùng các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa anthocyanin (chủ yếu thực phẩm màu đỏ và tím) để giúp người dùng cải thiện sức khỏe, đẩy lùi các loại bệnh tật, cụ thể như:
-
Rối loạn chức năng gan;
-
Tăng huyết áp;
-
Rối loạn thị lực;
-
Nhiễm khuẩn;
-
Mệt mỏi, lo âu.
-
Tiêu chảy.
Những loại thực phẩm chứa anthocyanin bao gồm:
-
Rau củ: Cà tím, bắp cải tím, khoai lang tím, khoai tây tím…
-
Trái cây: Nho, mận, dâu tây, mâm xôi, việt quất, sim, sung…
-
Thảo mộc: Cây oải hương, rau quế tím…
-
Gạo lứt đen
Theo giới y học cổ truyền, thực phẩm có màu xanh dương và tím giúp cơ thể giữ ấm cho mùa đông, còn thực phẩm màu đỏ giúp làm mát cho mùa hè. Thực phẩm màu tối có thể cải thiện khả năng dự trữ năng lượng, cân bằng chuyển hóa chất lỏng và thải độc tố nên rất có ích cho các cơ quan như dạ dày, lá lách và thận.
Những thực phẩm có màu đỏ chứa rất nhiều anthocyanin, giúp nuôi dưỡng máu và cải thiện quá trình vận chuyển diễn ra trong cơ thể nên rất cho người:
-
Thiếu máu;
-
Thường đánh trống ngực;
-
Chân tay lạnh;
-
Da mặt nhợt nhạt;
-
Thiếu sức lực…
Điều chế sản xuất
Đầu tiên, rửa sạch nguồn nguyên liệu, để ráo nước, nghiền nhỏ và bảo quản trong điều kiện 4 – 6ºC, tránh ánh sáng trực tiếp để giữ mẫu cho cả quá trình. Các hóa chất sử dụng như: Ethanol, metanol, đệm acetat và các hóa chất thông thường.
Bằng phương pháp pH vi sai xác định các điều kiện thích hợp cho quá trình chiết chất màu anthocyanin là dung môi ethanol/nước 50/50 bổ sung 1% HCl; tỷ lệ dung môi/nguyên liệu là 15/1 (v/w); thời gian chiết ba ngày.
Cơ chế hoạt động
Anthocyanins được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Trong cơ thể, hợp chất hữu cơ này hoạt động như chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các gốc tự do. Ngoài ra, anthocyanin còn có khả năng chống viêm, chống vi rút và chống ung thư.
Công dụng
Anthocyanin là một chất chống oxy hóa mạnh nên mang lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe và làn da chúng ta. Cụ thể:
Chống lại ung thư
Theo nghiên cứu, anthocyanin có khả năng giúp giảm nguy cơ phát triển các loại ung thư nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nó.
Tác dụng này có được là do anthocyanin có thể ngăn chặn sự tăng sinh tế bào cũng như can thiệp vào quá trình gây ung thư bằng cách ức chế sự hình thành khối u, ngăn chặn sự kích hoạt các con đường protein kinase được hoạt hóa bằng mitogen.
Cải thiện chức năng nhận thức
Nếu tăng cường bổ sung nhiều chất chống oxy hóa thông qua chế độ ăn uống sẽ giúp cải thiện hành vi, bộ nhớ và vận động.
Theo nghiên cứu, anthocyanin trong khoai lang tím có thể ức chế lipid trong các mô não, tăng cường nhận thức, bảo vệ trí nhớ…
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Bên cạnh cải thiện chức năng nhận thức, anthocyanin còn làm hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu bạn thường xuyên ăn các loại rau củ có chứa anthocyanin. Từ đó, các nguy cơ về nhồi máu cơ tim, bệnh huyết áp cũng được hạn chế, nhất là với những người có tiền sử hoặc đang bị thừa cân, béo phì.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Anthocyanin có khả năng giúp bảo vệ lipid peroxidation và DNA khỏi thương tổn cũng như hỗ trợ quá trình sản xuất cytokine, giúp bổ sung hệ miễn dịch và chống viêm nhiễm hiệu quả. Bên cạnh đó, anthocyanin còn có thể giúp điều hòa nội tiết.
Tăng cường thị lực và sức khỏe của mắt
Anthocyanin giúp bảo vệ mắt khỏi những tổn thương do gốc tự do, nhờ đó mắt có thể tăng khả năng nhìn ban đêm lẫn tầm nhìn tổng thể.
Làm đẹp da
Đây là một trong những công dụng đáng chú ý của anthocyanin. Hợp chất này có khả năng chống oxy hóa cực tốt nên giúp tăng cường sự bền vững của các mô liên kết. Đồng thời, anthocyanin cũng giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại, tăng sức đề kháng, ngừa bệnh ung thư da.
Liều dùng & cách dùng
Có nhiều cách sử dụng anthocyanin: Bạn có thể sử dụng và hấp thụ nhiều thực phẩm (thực phẩm tươi, thực phẩm chức năng) có chứa anthocyanin với lượng vừa đủ theo chỉ định của bác sĩ mới phát huy được tối đa tác dụng. Vì mức định lượng anthocyanin trong cơ địa mỗi người là khác nhau.
Ứng dụng
Nhờ mang lại những hoạt tính sinh học rất tốt mà anthocyanin được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống.
Trong thực vật
Anthocyanin được dùng trong việc sản xuất hạt hoặc củ giống có màu (lúa, các loại đậu…) để đánh giá chất lượng của nông sản. Ngay cả nông sản có màu sắc hấp dẫn cũng mang lại ý nghĩa trong việc thụ phấn/phát tán hạt giống thông qua động vật/côn trùng.
Trong công nghiệp thực phẩm
Màu sắc có vai trò rất quan trọng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm và đồ uống để thu khách hàng. Chiết xuất trực tiếp anthocyanin từ nguồn gốc tự nhiên ngày càng được ưa chuộng và dần thay thế các loại màu tổng hợp.
Các nhà sản xuất bánh kẹo, nước giải khát dễ dàng phối hợp chất này vào thực phẩm như tạo màu mà không lo ngại nó có thể gây ra biến chứng, gây độc cũng như gây đột biến gen.
Trong y học
Anthocyanin đưa các chất chống oxy hóa như flavonoid vào cơ thể để bảo vệ tế bào, giúp ngăn ngừa các nguy cơ như xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu, lão hóa tổn thương do bức xạ, thoái hóa gan…
Các dẫn xuất anthocyanin tạo được phản ứng với các ion kim loại mà chính các ion kim loại này là xúc tác cho nhiều phản ứng oxy hóa. Các dẫn xuất anthocyanin có tác dụng tái tạo tế bào võng mạc và giúp tăng thị lực vào ban đêm.
Vì vậy anthocyanin được dùng chủ yếu để đề phòng những biến cố của xơ vữa động mạch, điều trị các trường hợp suy yếu tĩnh mạch, những trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết…
Lưu ý
Nên tiêu thụ anthocyanin tự nhiên từ thực phẩm sẽ tốt cho cơ thể hơn là thực phẩm chức năng. Các loại nước ép (hoa anh đào, nước ép việt quất hay nước ép lựu…) đều chứa rất nhiều hợp chất hữu cơ này.
Mặc dù anthocyanin rất tốt cho cơ thể và làn da nhưng việc bổ sung phải phù hợp, đúng liều lượng, tránh việc lạm dụng anthocyanin vì bất cứ thành phần nào nếu quá nhiều cũng đều không tốt cho sức khỏe tổng thể nói chung.
https://www.healthline.com/nutrition/anthocyanin
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5613902/
https://www.verywellhealth.com/the-scoop-on-anthocyanins-89522
NGUỒN BÀI VIẾT: NHÀ THUỐC LONG CHÂU
Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung